Skip to main content

GIỮ LỬA NGHỀ LÀM ĐẦU LÂN, RỒNG TRUYỀN THỐNG

Hiện nay, mặc dù các loại đồ chơi hiện đại trên thị trường ngày càng phong phú, đa dạng nhưng những chiếc đầu lân, đầu rồng mang nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn được nhiều người yêu thích, tìm mua mỗi dịp lễ, tết. Được biết, để làm ra được những đầu lân như vậy, đòi hỏi những người thợ phải có đôi tay khéo léo và tính thẩm mỹ cao. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người làm đầu lân truyền thống lần lượt bỏ nghề, vì không tìm được đầu ra, thu nhập thấp... thì tại quê hương Tân Châu anh Phạm Văn Thọ, ấp Tân Phú B, xã Tân An vẫn quyết tâm gìn giữ nghề làm đầu lân mà ông, cha để lại và đang phát triển tốt.

Những lần đi xem múa lân tại các lễ cúng đình, chùa, … đã tạo nên sự đam mê trong anh Thọ. Năm 12 tuổi, anh qua Châu Đốc để học nghề làm đầu lân và múa lân, đến nay anh đã gắn bó với nghề làm lân với có tay nghề thành thạo, làm ra nhiều đầu lân giao cho khách nhiều nơi. Với anh Thọ, làm công việc này không chỉ để mưu sinh mà còn là niềm đam mê, nhiệt huyết. Anh đã phát triển và tiếp lửa truyền thống nghề lân - sư - rồng tại địa phương; những đầu lân, rồng do anh làm ra đã vươn mình khắp nơi trong và ngoài tỉnh, tạo được ấn tượng mạnh mẽ với nhiều khách hàng.

Có mặt tại gia đình anh Thọ vào những ngày này mới thấy hết không khí khẩn trương hoàn thành các bộ đầu lân truyền thống để kịp giao cho các đoàn múa lân về tập luyện ở các tỉnh, thành khác. Anh Phạm Văn Thọ, chia sẻ: “Làm lân tầm tháng 9 tháng 10, gần mùa tết với Trung thu số lượng lân người ta cần nhiều hơn. Năm nào cũng có đơn hàng hết; nhiều khi người ta cũng xuất ra nước ngoài Singapore, Malaysia, Macau, … thị trường nhiều nhất Sài Gòn. Tùy theo đơn nhằm khi đơn 10 đầu, 2-3 đầu cũng có; lân thi đấu nó khác giá nó cao hơn”.

Anh Thọ chia sẻ các công đoạn, từ khâu tạo khuôn hình, dán giấy, vẽ hoa văn đều yêu cầu sự chịu khó, kiên nhẫn của người thợ. Bên cạnh đó là sự phối hợp màu sắc, trang trí từ đầu đến đuôi lân để làm nổi bật sự thần thái, dũng mãnh, uy vũ của lân. Để làm được đầu lân, trước tiên người thợ phải dùng những đoạn tre để tạo khuôn. Sau đó nhúng gạc, giấy vào nước rồi đắp lên khuôn, phết hồ dán để tạo hình cho lân. Các loại giấy dán phải có độ dai để không bị nát vụn, hồ dán cũng là loại có độ kết dính cao. Sau khi đầu lân được phơi khô, người thợ sẽ bọc “da” cho lân bằng một số nguyên liệu, như giấy thiếc, vải kim sa, vải nhung ... tùy theo yêu cầu của khách hàng. Giai đoạn uốn sườn, nếu bị cong, vênh, méo... phải rọc ra làm lại từ đầu. Cái khó thứ hai là chế tác phải thể hiện sự tỉ mỉ, hình thái phải sống động, mang đầy đủ sắc thái hỉ, nộ, ái, ố. Con lân sư rồng nhìn có thần sắc hay không chính lúc tạo khung sườn sẽ quyết định đến sự thành, bại của sản phẩm.

Anh Thọ, cho hay “bí quyết” để tạo cảm giác chân thật cho người, người thợ sẽ dùng lông cừu trang trí cho lân. Đầu lân đạt tiêu chuẩn phải cân đối, hài hòa và tạo sự dễ dàng cho người múa lân khi thực hiện các động tác khác nhau. Mỗi sản phẩm đều được anh Thọ thể hiện tỉ mỹ, "thổi hồn" vào những chiếc đầu lân sư rồng cho sống động. Hiện nay, mỗi con lân có giá bán từ 4,5 triệu đến 05 triệu đồng, riêng loại cao cấp từ 07 triệu đến 08 triệu đồng/con, đó là những con lân có hoa văn đẹp lại có khả năng chống thấm nước. Vừa là người giỏi trong nghề chế tác lân, anh còn là người thủ lĩnh biểu diễn trong nhiều đợt thi đấu. “ Giờ em đang đẩy mạnh thị trường đi nước ngoài. Anh em vô truyền qua truyền lại dạy với nhau, nếu mà đến mùa Tết tụi em chia ra 1 tóp là múa ở quê, 1 tóp đi nước ngoài, lên sư phụ em học vừa biểu diễn vừa đi học luôn, đam mê chịu khó kiên trì, đam mê mới lên đó được” - Anh Phạm Văn Thọ, chia sẻ.

Dẫu nghề làm đầu lân hiện nay không còn rộn ràng, nhộn nhịp như trước kia, nhưng không vì thế mà niềm đam mê gìn giữ nghề truyền thống của cha ông thôi cháy bỏng trong lòng anh Phạm Văn Thọ, bởi ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến học nghề làm lân. Em Nguyễn Văn Tình, cho biết: “Tiếp tục theo con đường đam mê, mới đầu thì có khó khăn rất nhiều nhưng anh Thọ chỉ dạy em lại thì thời gian sẽ dần dễ. Em làm thường xuyên, đi thi ở nơi khác và múa ở địa phương, gần đây là giải Quy Nhơn, Bình Định đoàn em dành hạng nhất múa Rồng ở ngoải”.

Với niềm đam mê gìn giữ và phát triển nghề làm đầu lân, đầu rồng, anh Phạm Văn Thọ, đã giúp cho các thanh, thiếu niên tại địa phương có tay nghề. Đáng quý hơn, việc làm của chàng trai trẻ đã phần nào tiếp lửa đam mê cho lớp trẻ về nghề làm đầu lân - sư - rồng của xứ lụa, để thắp lửa, giữ hồn cho một nghề truyền thống luôn mang lại niềm vui và may mắn cho mọi người, mọi nhà vào dịp Tết hay các ngày lễ, hội, góp phần gìn giữ và làm sống lại những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc./.

Bài, ảnh Thùy Trang

Nguồn: Đài truyền thanh thị xã Tân Châu