Skip to main content

NGƯỜI THỔI HỒN VÀO CHẬU KIỂNG

Chậu cây kiểng là vật không thể thiếu đối với người trồng cây, hoa kiểng. Người yêu cây, hoa kiểng cũng sẽ chọn những chậu đẹp, phù hợp với tạo dáng của từng cây. Thời gian gần đây, nhu cầu trồng hoa kiểng khá phổ biến, nắm bắt điều này, người làm chậu kiểng trên địa bàn đã và đang cung ứng ra thị trường nguồn hàng theo thị hiếu người trồng hoa, cây kiểng, từ đó, tạo thêm thu nhập và việc làm ổn định cho những nghệ nhân “thổi hồn” vào chậu kiểng nơi thị xã vùng biên.

Từng làm công nhân xây dựng ở ngoài tỉnh, sau đại dịch Covid-19, do tuổi cao và đặc biệt là chân bị tật, di chuyển khó khăn nên anh Phạm Văn Mạnh, ấp Tân Hòa C, xã Tân An quyết định đến với nghề làm chậu kiểng bằng khuôn đúc hơn 03 năm nay. Theo anh Mạnh, để bén duyên với nghề làm chậu đúc, anh tự tìm hiểu trên mạng xã hội về quy trình cách làm. Sau những lần thất bại, anh rút kinh nghiệm và hiểu rằng để cho ra sản phẩm đẹp thì phải chăm chút ở từng công đoạn. Từ nhu cầu của bà con khá nhiều nên anh quyết định làm để bán và mở rộng quy mô, đầu tư thêm máy móc, mẫu khuôn đa dạng nhiều mẫu mã trông bắt mắt. Hiện tại, anh đang sở hữu hơn 40 mẫu chậu các loại lớn, nhỏ khác nhau.

Theo anh Mạnh, nguyên liệu làm chậu là xi măng, đá mi và cát xây dựng. Để làm được một chiếc chậu xi măng đẹp, đòi hỏi người thợ phải lành nghề, có sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu cho đến công đoạn sản xuất, đúc, làm thành chậu. Muốn có chiếc chậu bền chắn, cần nhất là khâu trộn hồ, đổ hồ vào khuôn. Sau khi đổ hồ vào khuôn 24 giờ sau thì tháo khuôn, rồi phơi nắng tầm 5 - 6 ngày, đến khi chậu khô trắng thì bắt đầu sơn. Sơn chậu gồm chà nhám, sơn lót kiềm, sơn màu nền, sơn hoa văn, tùy theo hoa văn phối màu cho phù hợp và sơn bóng, để thu hút khách hàng. Người thợ phải chú ý pha màu thật chuẩn để màu sắc được bền đẹp, nước sơn không bị ố, bong tróc. Các hình họa tiết trang trí phải mềm mại, đẹp mắt. Chậu kiểng bê tông khuôn đúc có bán kính từ 30 - 120cm sẽ có giá bán từ 100.000 – 2.000.000 đồng/chậu. Trung bình, mỗi ngày làm thành phẩm được từ 3 - 4 cái chậu, trừ hết chi phí vật tư, mỗi chậu cho thu nhập từ 40.000 - 200.000 đồng, tùy kích cở và mẫu mã.

Từ thực tế cho thấy, trước đây chậu kiểng vốn chỉ được cung cấp cho các cơ sở kinh doanh cây kiểng, các hộ chơi cây cảnh bonsai thì hiện nay đã được sử dụng ở nhiều nơi như trang trí cho không gian nhà ở, văn phòng các cơ quan, công ty, doanh nghiệp,… như một xu hướng nội thất độc đáo, mang lại nét thẩm mỹ cao và giá trị kinh tế nên từ đó càng thôi thúc niềm đa mê của anh Mạnh. “Qua tham quan cơ sở sản xuất chậu của anh Mạnh thì thấy nhiều mẫu mã cách làm thì nó hiện đại, mẫu mã rất là đặt sắc nhìn vô thu hút người mua, mình cũng có sử dụng chậu của anh Mạnh làm, thời gian sử dụng khá là lâu các hoa văn vẽ giữ được cái độ bền, cũng có giới thiệu 1 số người quen tới đây mua để sử dụng, các sản phẩm anh làm ra đạt yêu cầu của khách hàng” - Anh Trần Văn Hữu, ấp Tân Hòa C, xã Tân An cho biết.

Hiện các sản phẩm chậu kiểng của anh Mạnh được bán qua các mối quen biết và qua mạng xã hội như: Zalo, Facebook, khách hàng trong và ngoài thị xã Tân Châu…, đắt hàng nhất là từ tháng 10 âm lịch hàng năm, nhất là thời điểm cận Tết, nhu cầu của người trồng hoa kiểng tăng lên, công việc mặc dù tăng gấp đôi nhưng bù lại anh được thu nhập khá.

Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời điểm này các cơ sở sản xuất chậu cảnh trên địa bàn không khí sản xuất rất tấp nập. Những chiếc chậu thành phẩm được xếp thành hàng với nhiều màu sắc, hoa văn khác nhau đang chờ được giao tận tay cho người mua. Và những người làm nghề như anh Phạm Văn Mạnh cũng mong muốn Tết Nguyên đán sắp tới, thị trường hoa, cây cảnh trên quê hương Tân Châu sẽ tiếp tục khởi sắc, để hàng làm ra sẽ bán được nhiều hơn, thêm nguồn thu khá hơn, có thể chăm lo cho gia đình một cái Tết sung túc.

Bài, ảnh Thùy Trang

Nguồn: Đài truyền thanh thị xã Tân Châu.