Skip to main content

Tân Châu: Hiệu quả sử dụng phân hữu cơ trong chăm sóc cây sầu riêng

Trong xu thế phát triển nền nông nghiệp hiện nay, bên cạnh quan tâm, đầu tư hệ thống công nghệ cao vào quá trình sản xuất, giúp giảm công lao động, nhẹ chi phí, việc lựa chọn cây trồng, hình thức canh tác như thế nào phù hợp, hiệu quả, đặc biệt, hướng đến nâng cao chất lượng giá trị nông sản và quan tâm sức khỏe người tiêu dùng cũng là vấn đề được quan tâm. Với mục tiêu sản xuất nông nghiệp sạch và bền vững, canh tác theo hướng hữu cơ sẽ là một trong những giải pháp tối ưu.

 Tại ấp Tân Hòa C, xã Tân An, thị xã Tân Châu, trên diện tích 10.000m2, anh Trần Việt Trường đã trồng 80 gốc cây sầu riêng, giống sầu riêng thái Monthong. Đến nay, cây sầu riêng đã 04 năm tuổi và tháng Chạp tới đây sẽ bắt đầu để trái cho vụ thuận. Anh Trần Việt Trường chia sẻ: “Trước tiên để làm cây sầu riêng, mình phải đào liếp, lên võng rồi lên mô cao, thứ hai nữa là chọn nguồn giống cho tốt, thứ ba nữa là mình phải đi hướng hữu cơ, mình muốn cây sầu riêng được, phát triển bền vững, được xuất đi chính ngạch”.

 Trong vườn, trước khi trồng sầu riêng, tiến hành rải voi khắp mặt liếp và trên mô để xử lý đất, 01 tháng mới bắt đầu trồng, anh Trường trồng sầu riêng theo quy cách cây cách cây 10m, hàng cách hàng 10m, để sau này cây lớn không bị đụng tàn, chết nhánh, đủ ánh sáng, hạn chế tình hình sâu bệnh hại tấn công. Bên cạnh, vườn cần lên liếp đào rảnh, mô sầu riêng cao 1m trở lên.

   Vào năm 2022, anh Trường bắt đầu áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ, theo đó, Công ty TNHH Thành Chào sẽ cung ứng các loại phân bón hữu cơ và theo dõi quá trình sinh trưởng của sầu riêng, như các loại phân hữu cơ trùn quế chuyên cây ăn trái. Ngoài ra, trong quá trình canh tác, anh Trường còn sử dụng dịch trùn quế thủy phân dịch tỏi ớt làm cho sâu hoặc côn trùng gây hại tránh xa, giúp cây khỏe mạnh lá dày, bóng mượt, đứng lá và có thêm các sản phẩm chuyên biệt dịch thủy phân trùn quê cho rễ, cho lá, cho lớn trái. “Trong thời gian sử dụng phân hữu cơ, tôi thấy cây sầu riêng phát triển tốt, lá xanh, dày, bóng chắc khỏe, hai là đâm đọt đều cành lắm, cây thấy nó lớn, cành to, thân to”- Anh Việt Trường cho biết thêm.

 Trong quá trình chăm sóc sầu riêng, từ lúc nhỏ đến lúc lớn, chỉ rải phân hữu cơ, phun xịt sâu định kỳ, 01 tháng 03 lần để quản lý sâu rầy, cho bộ đọt mới. Đến nay, cây sầu riêng trong vườn cao cây tầm 7m. Anh Trường tiến hành định kỳ tỉa cành tâm, cắt chèo, cắt cành vượt, cắt ngọn để cây sầu riêng được mập thân, cành lớn mang trái khỏe. Anh Việt Trường, chia sẻ: “Vấn đề cây sầu riêng là quản lý sâu rầy tốt, với hai là nấm bệnh vàng lá, thối rễ, bệnh xì mủ, rồi đặc biệt sử dụng phân hữu cơ thì mình không nên xịt cỏ, mình không xịt cỏ, mình phát cỏ 01 tháng 1 lần cho bộ rễ sầu riêng không bị cháy, cây sầu riêng mình mới phát triển”.

 Ngoài ra, từ sự hỗ trợ của nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, 50 triệu đồng, anh Trường đã ứng dụng hệ thống tưới nước bón phân điều khiển từ xa bằng điện thoại cho vườn cây, định kỳ 02 ngày tưới 01 lần. mỗi lần tưới khoảng 15 – 20 phut vào buổi sáng, đặc biệt, nguồn nước tưới sầu riêng phải là nguồn nước sạch. “Tưới công nghệ cao này lợi ích trước tiên là xử lý nấm bệnh tưới qua gốc luôn, quản lý dịch bệnh trên cây sầu riêng. Tưới qua hệ thống là mình tiết kiệm trong vòng khoảng 15 phút là tưới hết bồn 1.000 lít nước, cũng như là mình đỡ thời gian mình đi kéo dây tận gốc để phun xịt, tưới đều vườn hết luôn trong vòng 15 – 20 phút”- Anh Trần Việt Trường cho hay.

Anh Trường đánh giá cao hiệu quả mang lại và hiện mô hình canh tác này cũng đang được thực hiện tại một số địa phương trên địa bàn thị xã Tân Châu. Anh Việt Trường, mong muốn: “Trong thời gian tới, ước nguyện được gắn thêm hệ thống tưới trên đọt sầu riêng, thứ hai nữa là ở xã Tân Thạnh, Tân An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương, xã Lê Chánh các xã liên kết với nhau, trên địa bàn thị xã Tân Châu được đăng ký số mã vùng trồng cho cây sầu riêng, được mã vùng trồng như thẻ thông hành vậy đó, cho trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các nước khác, để cho sầu riêng được giá cả ổn định”.

Qua quá trình canh tác, với tính chịu khó, ham học hỏi và sẵn sàng tiếp cận, ứng dụng biện pháp canh tác mới sản xuất theo hướng hữu cơ, đã mang lại những tín hiệu tích cực trong vườn sầu riêng của anh Trường. Hy vọng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều bà con nông dân mạnh dạn thay đổi tư duy canh tác truyền thống để hướng đến sản xuất hữu cơ, vừa mang lại năng suất, chất lượng nông sản, vừa giúp bảo vệ sức khỏe nông dân, thân thiện với môi trường, để mục tiêu hướng đến sản xuất nông nghiệp hiện đại – bền vững phát triển trên vùng đất Tân Châu.

Tin, bài: Huyền Thoại

Nguồn: Cổng thông tin thị xã Tân Châu