Tân Châu: Nông dân vùng đất cồn nhạy bén trong sản xuất nông nghiệp
Thiên nhiên ưu đãi đã bồi đắp phù sa cho vùng đất cồn, suốt những năm qua, bà con nông dân tại vùng đất cồn Tân Lợi, xã Tân An, thị xã Tân Châu đã canh tác nhiều loại nông sản, trong đó, ớt và sắn là hai loại nông sản chủ lực. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, khi đi đến vùng đất cồn Tân Lợi, nơi đây đã khoác lên mình diện mạo mới với đa dạng các loại nông sản.
Trên diện tích 122 hecta vùng đất sản xuất nông nghiệp của cồn Tân Lợi, xã Tân An, thị xã Tân Châu đã có nhiều hộ nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nhà cửa khang trang nhờ từ cây ớt. Thế nhưng, với hiện tại, trong quá trình trồng và sự phát triển của ớt lại bị nhiễm khuẩn, bị khảm đã ảnh hưởng đến năng suất, từ đó, bà con nông dân đã dần dần chuyển đổi sang trồng các loại hoa màu khác, hoặc sẽ chọn trồng xen canh một vụ ớt, một vụ hoa màu khác để cải tạo cây trồng. Chú Nguyễn Văn Đó, ấp Tân Lợi, xã Tân An chia sẻ: “Kể như người làm bí, người thì làm bắp, làm huệ, ui đủ thứ hết trơn, phát triển cũng tốt bình thường, nhưng mà đặc biệt có cây ớt”.
Như chú Nguyễn Văn Rô chia sẻ, gia đình chú trước đây trồng ớt, nhưng giờ trên 4,5 công đất chú đã chuyển sang trồng đậu bắp, dù lợi nhuận sẽ không cao bằng ớt như trước đây nhưng cũng mang lại điều kiện kinh tế ổn định hơn. Chú Nguyễn Văn Rô, ấp Tân Lợi, xã Tân An cho biết: “Trồng ớt thấy hổng thắng rồi, tỉa đậu bắp, đạt yêu cầu hơn, tại có giá hợp đồng bẻ được 10 ngày, giá 9.000đ”.
Khi đi một vòng quanh vùng đất cồn, màu xanh tươi mơn mởn của rất nhiều cây trồng đang được bà con nông dân cần cù chăm sóc, tùy theo vị trí mà bà con nông dân chọn trồng giống hoa màu phù hợp nhưng lại rất đa dạng như trồng đậu bắp, trồng bắp, cà tím, đậu phộng… Trong đó, diện tích trồng đậu phộng khoảng 02 hecta, 30 hecta trồng bắp các loại…Với kinh nghiệm canh tác lâu năm và trước thực trạng nhiễm bệnh trên ớt, những vụ gần đây, bà con nông dân thường chọn phương pháp canh tác xen canh như vụ trước, chú Nguyễn Văn Đó trồng bí trên diện tích 04 công, mỗi công thu hoạch được khoảng 01 tấn, với giá bán 6.000đ/kg cũng đã mang về lợi nhuận khoảng 12 triệu đồng. “Phải chuyển đổi ví dụ như mình làm ớt vầy rồi, tới đây mình chuyển lại bắp hay là bí, hay là trồng các loại giống khác chứ đâu có trồng chung được, cho nó cải tạo lại đất”- Chú Nguyễn Văn Đó, chia sẻ.
Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân vùng đất cồn dựa vào kinh nghiệm sản xuất, nắm bắt nhu cầu thị trường, song song, sự quan tâm của Chính quyền địa phương, đồng hành của Ngành chuyên môn sẽ là điều kiện để bà con nông dân sản xuất đạt được năng suất và chất lượng. Chú Nguyễn Văn Đó, mong muốn: “Bây giờ kĩ thuật, kĩ sư ở trên đi xuống coi nghiên cứu dùm vùng đất bị gì, đặng nông dân làm những chuyện gì phù hợp cho mặt đất này, mong mỏi có vậy thôi chứ không có gì hết trơn”.
Gắn bó cùng vùng đất cồn bao đời nay, bà con nông dân vùng đất Tân Lợi luôn hăng say trong lao động, sản xuất, tạo ra nhiều loại nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng hơn hết vẫn cần có hướng đi phù hợp, bền vững để nông sản ngày càng được nâng cao giá trị, năng suất được tăng cao, góp phần phát triển kinh tế từng nông hộ và vùng đất Tân Lợi, thị xã Tân Châu sẽ ngày càng thêm giàu đẹp.
Bài, ảnh Huyền Thoại
Nguồn: Cổng thông tin thị xã Tân Châu